Trầm cảm sau sinh là tình trạng buồn bã, chán nản, mệt mỏi và tuyệt vọng kéo dài trên hai tuần ở phụ nữ sau khi sinh con. Trầm cảm sau sinh khá phổ biến nhưng vẫn chưa được quan tâm đúng mực. Dưới đây là cách nhận biết và phòng tránh trầm cảm sau sinh:
1. YẾU TỐ NGUY CƠ CỦA CHỨNG TRẦM CẢM SAU SINH LÀ GÌ?
rong thời kỳ mang thai và sinh con, thể chất và cảm xúc của người phụ nữ thay đổi rất nhiều. Phần lớn họ có thể vượt qua những thay đổi này và trở lại bình thường sau đó. Nhưng lại có những bà mẹ mắc phải chứng trầm cảm sau sinh.
Một số yếu tố nguy cơ có thể làm phát triển chứng trầm cảm sau sinh là:
- Sự suy giảm đột ngột nồng độ nội tiết tố ngay sau khi sinh con.
- Một số hormone do tuyến giáp sản xuất giảm mạnh.
- Không được chăm sóc và hỗ trợ đầy đủ trong quá trình mang thai và sinh con.
- Không hài lòng với hôn nhân hoặc mang thai ngoài ý muốn.
- Xảy ra mâu thuẫn trong gia đình, đặc biệt là bất hòa với người chồng.
- Đau khổ vì mất người thân.
- Gặp khó khăn tài chính hoặc mất việc.
- Gặp tình huống nguy hiểm tính mạng trong quá trình mang thai và khi sinh con như: biến chứng mang thai, khó sinh…
- Mất ngủ và mệt mỏi thường xuyên.
- Từng bị trầm cảm trước khi mang thai, trầm cảm sau sinh trong lần sinh con trước đó hoặc trầm cảm trong khi mang thai.
- Tiền sử gia đình có người bị trầm cảm sau sinh.
- Người bị rối loạn lưỡng cực có nguy cơ cao bị trầm cảm sau sinh.
- Em bé bị một số vấn đề sức khỏe trước hoặc sau khi sinh ra.
- Đa thai (sinh đôi, sinh ba hoặc nhiều hơn).
- Mang thai lần đầu.
- Mang thai khi còn trẻ.
- Quá lo lắng về trách nhiệm làm mẹ của mình.
- Lo lắng về vẻ ngoài của mình.
- Lạm dụng rượu, thuốc lá hoặc chất kích thích.
2. LÀM CÁCH NÀO ĐỂ NHẬN RA BẠN ĐANG BỊ TRẦM CẢM SAU SINH?
Biểu hiện tâm trạng sau sinh ở mỗi người không giống nhau. Có những người chỉ đơn giản là bị thay đổi cảm xúc, và sau khi những cảm xúc này ổn định lại thì họ sẽ trở lại trạng thái bình thường. Có người thì bị trầm cảm nhẹ, việc uống thuốc và điều trị sẽ giúp họ nhanh chóng trở lại cuộc sống. Nhưng có trường hợp trầm cảm nặng hơn, nếu không được phát hiện có thể gây nguy hiểm tính mạng cho bản thân, người thân và cả trẻ sơ sinh.
a. Buồn sau sinh (Baby blues)
Có rất nhiều bà mẹ sẽ trải qua giai đoạn buồn bã sau khi sinh con. Trạng thái tâm lý này không cần lo lắng vì nó chỉ kéo dài một thời gian ngắn, trung bình sẽ kết thúc sau 3-4 ngày và nhiều nhất là hai tuần. Các triệu chứng có thể bao gồm:
- Khó kiểm soát cảm xúc, cáu gắt hoặc khóc rất nhiều.
- Buồn bã và lo lắng.
- Cảm giác lâng lâng, không tập trung hoặc cảm thấy choáng ngợp.
- Thèm ăn hoặc không muốn ăn.
- Rối loạn giấc ngủ.
b. Trầm cảm sau sinh
Khi sự buồn bã, chán nản, tuyệt vọng gây ảnh hưởng đến các hoạt động hàng ngày và gây khó khăn trong việc chăm sóc em bé thì đó có thể là chứng trầm cảm. Trầm cảm có thể xảy ra trong quá trình mang thai, vài tuần sau khi sinh hoặc trong vòng một năm sau khi sinh.
Một vài triệu chứng của trầm cảm sau sinh thường gặp là:
- Buồn bã, chán nản nghiêm trọng.
- Khó kiểm soát cảm xúc: khó chịu, khóc hoặc cáu gắt.
- Chán ăn hoặc ăn nhiều hơn bình thường.
- Mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều.
- Thiếu năng lượng, luôn mệt mỏi.
- Giảm hứng thú với các sở thích cá nhân.
- Giảm khả năng tập trung và đưa ra quyết định.
- Trí nhớ kém và giảm khả năng phân tích vấn đề.
- Khó gắn kết với em bé.
- Lo lắng nghiêm trọng và hoảng loạn.
- Luôn lo lắng về sức khỏe và tương lai của con.
- Nghi ngờ về khả năng chăm sóc con của mình.
- Cảm giác vô dụng, vô vọng, kém cõi hoặc tội lỗi.
- Có suy nghĩ về cái chết hoặc tự tử.
- Có ý nghĩ làm hại người thân hoặc em bé.
c. Loạn thần sau sinh
Hiếm khi người mẹ bị loạn thần sau sinh. Nhưng nếu người mẹ bị loạn thần sau sinh sẽ rất nguy hiểm vì họ có những suy nghĩ và hành vi đe dọa tính mạng không chỉ với bản thân mà cả người thân của mình. Một số biểu hiện của chứng loạn thần như:
- Rối loạn tư duy, lú lẫn và mất phương hướng.
- Ám ảnh về em bé.
- Xuất hiện ảo giác: nghe, nhìn, ngửi hoặc cảm thấy những thứ không có thực.
- Xuất hiện ảo tưởng: có niềm tin phi lý vào những điều không đúng, cảm thấy mình đang bị ngược đãi hoặc có ảo tưởng về em bé.
- Dễ kích động và có hành động bạo lực.
- Nói hoặc làm những điều kỳ lạ, vô nghĩa.
- Cố gắng gây tổn thương cho bản thân.
- Cố gắng gây hại cho em bé hoặc những người khác.
LÀM THẾ NÀO ĐỂ PHÒNG TRÁNH TRẦM CẢM SAU SINH?
Trầm cảm sau sinh là điều không ai mong muốn, nhưng đôi khi nó xuất hiện bất ngờ làm xáo trộn và gây khó khăn cho cuộc sống của người mẹ và gia đình. Trầm cảm sau sinh không chỉ gây ảnh hưởng đến người mẹ mà còn tác động tiêu cực đến sức khỏe và hạnh phúc của trẻ. Vì vậy, nếu bạn đang mang thai và sinh con thì nên duy trì một vài biện pháp dưới đây để có thể làm giảm nguy cơ bị trầm cảm sau sinh:
- Chế độ ăn uống: Bạn cần tuân theo một chế độ ăn uống lành mạnh và đầy đủ chất dinh dưỡng vì đây là giai đoạn đang cho con bú. Một chế độ ăn cân bằng sẽ giúp bạn hồi phục nhanh chóng và có một cơ thể khỏe mạnh. Một số loại thực phẩm giúp cải thiện tâm trạng tốt như: hạnh nhân, cá, quả bơ, chuối, táo, dừa, cải bó xôi, đậu nành, lúa mì, bánh mì, socola đen…
- Tập thể dục: Vận động có tác dụng rất tốt để nâng cao tinh thần và cải thiện cảm xúc. Bạn hãy dành thời gian mỗi ngày để đi bộ, tập yoga, thiền hoặc tập một vài bài tập phù hợp.
- Nghỉ ngơi đầy đủ: Suy nhược và ngủ không đủ giấc có thể khiến bạn bị căng thẳng và khó kiểm soát cảm xúc của mình. Vì vậy ngủ đủ giấc rất quan trọng để tâm trạng của bạn luôn tốt. Nhiều người mẹ thường tranh thủ lúc con ngủ để làm việc nhà hoặc hoàn thành công việc. Điều này không hề tốt vì bạn sẽ không thể ngủ được khi con bạn đang thức. Các bà mẹ được khuyên là hãy sinh hoạt theo giờ giấc của con mình. Hãy cố gắng ngủ khi con bạn đang ngủ.
- Thư giãn: Bạn hãy dành thời gian cho chính mình để làm những gì bạn yêu thích. Xua tan mọi suy nghĩ và thả lỏng cơ thể sẽ giúp bạn giảm căng thẳng và mệt mỏi. Bên cạnh đó, bạn nên chơi đùa với con để tăng sự gắn bó.
Sự hỗ trợ từ người thân: Sự chăm sóc sức khỏe và hỗ trợ tinh thần từ gia đình là rất quan trọng để bạn không bị trầm cảm. Đặc biệt là sự động viên của người chồng quan trọng hơn cả để giúp người phụ nữ có cảm giác yên tâm và tự tin hơn trong vai trò mới của mình. Quan trọng là bạn hãy cố gắng cởi mở và trò chuyện nhiều hơn với chồng, gia đình hoặc ai đó biết lắng nghe về những cảm xúc mà mình đang có.
- Chăm sóc bản thân: Sau khi sinh con, có nhiều phụ nữ bỏ bê không chăm sóc vẻ ngoài của mình. Điều này qua thời gian có thể khiến họ cảm thấy chán nản. Vì vậy, ngoài việc chăm sóc sức khỏe thì việc làm đẹp cho bản thân cũng rất cần thiết để tăng sự tự tin và lạc quan.
- Suy nghĩ tích cực: Suy nghĩ tích cực là liều thuốc quan trọng cho những vấn đề mà bạn gặp phải. Có cái nhìn tích cực về bản thân, về cuộc sống tương lai, về vai trò làm mẹ và về đứa con của mình sẽ giúp bạn hạn chế nguy cơ trầm cảm sau sinh.
- Có sự chuẩn bị đầy đủ: Hãy trang bị cho mình những kiến thức cần thiết về mang thai và sinh con. Điều này sẽ giúp bạn bớt lo lắng, sợ hãi và có khả năng giải quyết một số vấn đề gặp phải trong quá trình mang thai và chăm sóc con. Ngoài ra, tham gia một vài khóa học cho phụ nữ mang thai hoặc khóa học chăm con cũng mang lại lợi ích cho bạn.
Nếu bạn đã bị trầm cảm trước đó hoặc trầm cảm trong quá trình mang thai thì bạn nên hỏi ý kiến của các chuyên gia tâm lý về việc phòng ngừa và sử dụng các biện pháp trị liệu. Chuyên gia có thể sử dụng liệu pháp trò chuyện hoặc các phương pháp phù hợp cho bạn trong từng giai đoạn để chắc chắn rằng bạn sẽ không gặp biến chứng trầm cảm sau khi sinh con.